3 Thông tin quan trọng về công ty ứng viên cần tìm hiểu trước khi phỏng vấn

Việc tìm hiểu về công ty mà bạn đang ứng tuyển không chỉ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng khi trả lời câu hỏi “Bạn biết gì về công ty?”, mà còn là dữ liệu để nhận định xem liệu công việc này có thật sự phù hợp với bạn hay không.

Hãy cùng điểm qua 3 nhóm thông tin quan trọng mà bạn cần tìm hiểu trước khi ứng tuyển và phỏng vấn để quá trình này diễn ra được suôn sẻ và thuận lợi nhất nhé!

Nhóm 1: Thông tin để Biết
Đây là các thông tin cơ bản để bạn biết rõchính xác hơn về Công ty mà mình đang ứng tuyển hoặc sắp tham gia phỏng vấn. Những thông tin này bạn hoàn toàn có thể tự tìm hiểu từ trên Google hoặc ngay trong JD.

  1. Tên đầy đủ và chính xác của Công ty: việc gọi sai tên, nhầm lẫn hoặc mơ hồ về Công ty trong quá trình trao đổi với Nhà tuyển dụng là một điểm trừ khá lớn. Ngoài ra, việc nhớ rõ tên Công ty sẽ giúp bạn biết được mô hình hoạt động của Công ty là trách nhiệm hữu hạn, cổ phần, công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay có nhiều công ty có cùng tên gọi hoặc dễ gây nhầm lẫn, vì thế, bạn cần biết chính xác tên Công ty mà mình đang ứng tuyển.
    Ví dụ: bạn cần biết rõ Công ty bạn đang ứng tuyển là Công ty TNHH Hải Triều Việt Nam hoặc là Đồng hồ Hải Triều, để phân biệt với một vài công ty cũng có tên gọi là Hải Triều khác ngoài thị trường.
  2. Lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ: bạn cần biết được Công ty đang kinh doanh lĩnh vực (sản phẩm hoặc dịch vụ) gì. Mỗi lĩnh vực kinh doanh, loại hình sản phẩm và dịch vụ sẽ có những đặc trưng riêng. Vì thế, thông tin này sẽ giúp bạn nhìn nhận ban đầu về mức độ phù hợp giữa định hướng của bạn và hướng phát triển của Công ty.
  3. Địa chỉ nơi làm việc và khu vực các chi nhánh: bạn cần biết nếu bạn gia nhập Công ty thì mỗi ngày bạn sẽ làm việc ở đâu. Các khu vực chi nhánh (nếu có) của Công ty tập trung ở đâu. Nếu khoảng cách là một trong những yếu tố quan trọng với bạn khi tìm việc thì bạn cần biết rõ thông tin này để cân nhắc về đoạn đường di chuyển hàng ngày hoặc yêu cầu công tác.
  4. Thời gian làm việc & các chính sách phúc lợi: bạn cần có đầy đủ và rõ ràng các thông tin về điều kiện làm việc và quyền lợi cơ bản của nhân viên Công ty. Thời gian làm việc hàng ngày, tính chất công việc có cần tăng ca hoặc làm ngoài giờ không, các đãi ngộ và chính sách phúc lợi chung dành cho nhân viên,… là những thông tin quan trọng bạn cần phải biết.

Nhóm 2: Thông tin để Hiểu
Đây là những thông tin sâu hơn về Công ty mà bạn cần phải có để hiểu rõ hơn về nơi mình có thể thuộc về. Những thông tin này bạn có thể tìm hiểu từ các kênh truyền thông chính thống hoặc các tài liệu cung cấp cho ứng viên của Công ty. Bạn cũng có thể trao đổi thêm với HR để có được thông tin.

  1. Mô hình tổ chức vận hành: công ty thuộc mô hình tổ chức của công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phần, hợp danh hay tư nhân cũng sẽ chi phối đến quá trình làm việc của các bộ phận/cá nhân trong nội bộ.
  2. Quy mô hoạt động: bạn cần biết khu vực hoạt động, số lượng chi nhánh, đối tượng là đối tác/khách hàng hiện hữu và tiềm năng của Công ty. Quy mô nhân sự và cơ cấu tổ chức của các phòng/ban trong Công ty.
  3. Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi: đây là những điều sẽ chi phối đến văn hóa doanh nghiệp và môi trường làm việc của Công ty.
  4. Lợi thế cạnh tranh và đánh giá của thị trường: bạn có thể tìm hiểu về đặc trưng của lĩnh vực, sản phẩm hoặc dịch vụ kinh doanh của Công ty. Vì đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của bạn về sau.
  5. Tiềm năng và thách thức của công ty hiện tại và tương lai: đây là yếu tố có thể ảnh hưởng một phần đến việc bạn có thể cống hiến hoặc gắn bó lâu dài tại Công ty hay không. Tiềm năng phát triển và những thách thức phải đối mặt của Công ty, cũng sẽ là của bạn.

* Nhóm 3: Thông tin để Quyết định
Đây là những thông tin bạn cần có để có thể cân nhắc và suy xét đưa ra quyết định trước nhiều Offer khác nhau. Bạn có thể tìm hiểu và thu thập dữ liệu trong suốt quá trình ứng tuyển và phỏng vấn.

  1. Văn hóa doanh nghiệp & môi trường làm việc: bạn có thể cảm nhận được văn hóa và không khí của môi trường làm việc tại Công ty trong quá trình phỏng vấn. Song song đó, bạn có thể tìm hiểu về các hoạt động nội bộ của Công ty qua kênh truyền thông và tham khảo những review từ các trang thông tin uy tín. Những người đã hoặc đang làm việc tại Công ty cũng là nguồn thông tin quý giá mà bạn đừng bỏ lỡ nhé!
  2. Đặc điểm của Team hiện tại: trong quá trình phỏng vấn và khi trao đổi với HR, bạn nên cố gắng tìm hiểu thông tin về Team mà mình sẽ cùng làm việc nếu gia nhập Công ty. Team đang có bao nhiêu người, Leader của Team là ai, Quản lý trực tiếp của Team là ai, văn hóa của Team thế nào, vai trò và vị trí của Team trong Công ty,…
  3. Lý do công ty tuyển dụng vị trí này: bạn cũng cần tìm hiểu xem Công ty đang kỳ vọng điều gì ở nhân viên đang được tuyển vào, những kết quả mong đợi là gì, đó có nằm trong khả năng và phù hợp với định hướng của bạn hay không?
  4. Ngoài ra, bạn cũng cần theo dõi, tìm hiểu và có thêm những thông tin hoặc sự kiện liên quan đến Công ty gần đây, tình hình kinh doanh và kết quả hoạt động của Công ty để xem đây có phải là nơi phù hợp và xứng đáng để bạn gia nhập hay không.

Bên cạnh những thông tin như trên, bạn cũng cần nắm rõ các bước trong quy trình tuyển dụng, bạn sẽ phỏng vấn bao nhiêu vòng và với ai để có sự chuẩn bị phù hợp. Hoặc trong lĩnh vực chuyên môn, bạn cũng có thể dành thời gian nghiên cứu về cách thức Công ty đang triển khai và giả sử nếu bạn là người phụ trách, bạn sẽ có cách làm nào khác để mang về hiệu quả tốt hơn hay không. Đây chắc chắn sẽ là điểm nhấn của bạn trong buổi phỏng vấn với Nhà tuyển dụng.

Để tạo được thiện cảm với Nhà tuyển dụng và có được công việc mà bạn mong muốn, bạn sẽ cần có rất nhiều thông tin và dữ liệu về Công ty. Đây là những thông tin cơ bản bạn nên tìm hiểu, thu thập và lưu ý. Tuy mất một ít thời gian tìm kiếm thông tin nhưng sẽ giúp bạn tạo được thiện cảm với Nhà tuyển dụng, và có đầy đủ dữ liệu để đưa ra quyết định khi đứng trước nhiều sự lựa chọn.

Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quá trình tìm kiếm một công việc “chân ái” dành cho bạn. 

——–

Hãy theo dõi các kênh của Hải Triều để thường xuyên cập nhật các bí quyết để cùng nhau phát triển trên con đường sự nghiệp nhé: